Theo lịch, Mùng Một Tết Nguyên Đán Tân Sửu sẽ vào ngày 12 Tháng Hai, vậy là chỉ còn khoảng hơn 20 ngày nữa người Việt sẽ đón năm mới. Đối với những đứa con xa xứ, tha hương thì chỉ vào dịp Tết Nguyên Đán là vui nhất, vì đó là lúc người đi làm được nghỉ dài ngày, tương tự như kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh cho đến Tết Tây ở Mỹ. Ngày mà tất cả các thành viên trong gia đình được đoàn tụ, được nghỉ ngơi sau một năm ở nơi “đất khách quê người” đầy những sương gió. Vào mùa này những năm trước, rất nhiều người Việt Kiều đã yên tâm cầm tấm vé về Việt Nam “ăn Tết.” Nhưng năm nay mọi cánh cửa như đóng sầm lại vì đại dịch COVID-19.

Chị Kathy Nguyễn, cư dân thành phố Westminster, tâm sự với phóng viên nhật báo Người Việt: “Năm nào tôi cũng đóng cửa tiệm, bay về chơi vào dịp Tết Nguyên Đán. Nhưng năm nay thì… chịu thôi, không cách chi về được, dù tiệm cũng phải đóng từ lâu rồi, vì dịch bệnh.”

Cảm nhận của chị Kathy rất giống nhiều người Việt xa xứ: “không khí Tết Việt Nam thì chẳng nơi nào có được. Nhất là từ thời điểm đưa Ông Táo về Trời, rồi mọi người chộn rộn sửa sang, dọn dẹp nhà cửa, mua sắm… Ai cũng bận rộn, mệt mỏi, mà rất vui. Đến tuổi này, mà cứ nghĩ đến Tết, tôi vẫn háo hức như còn tuổi thơ, mong được hít thở ‘không khí Tết,’”.

Chị Phương Ngô, chủ phòng vé Titan Travel trên đường Bolsa, Westminster, cho biết ngày nào chị cũng nhận được rất nhiều cuộc điện thoại của khách quen hỏi vé về Việt Nam.

Văn phòng của chị Phương đã phải đóng cửa từ giữa năm 2020, do các chuyến bay về Việt Nam bị đình trệ vì dịch bệnh COVID-19. Hồi Tháng Sáu, khi trả lời nhật báo Người Việt, chị Phương cho biết chỉ có thể bán vé từ đầu năm 2021 mà thôi. Chị cũng dự đoán giá vé vào thời điểm Tháng Giêng sẽ rẻ, nếu bay khứ hồi từ Los Angeles (LAX) về Việt Nam, giá trung bình khoảng $600-700, tùy hãng hàng không và tùy điểm đến Sài Gòn, Hà Nội, hay Đà Nẵng.

Nhưng nay thì chị Phương ủ rũ nói: “Không có chuyến bay nào cả, trừ những chuyến ‘giải cứu’ của chính phủ Việt Nam dành cho du học sinh hoặc du khách bị ‘kẹt’ ở Mỹ. Nhưng bay những chuyến này cũng phải trả giá vé rất cao, vì vé chính thức cũng là ‘vé chợ đen.’”

Một dịch vụ du lịch khác ở Bolsa cho biết, giá vé của các chuyến bay “giải cứu” trong khoảng $2,000-$2,500 một chiều, tùy điểm đến ở Việt Nam. Nhưng chỉ “quen biết” mới mua được giá đó. Nếu không, vé “giải cứu” có khi lên đến $8,000-$9,000 bay một chiều từ Mỹ về.

Bên cạnh đó, một dịch vụ bán vé máy bay đăng trên Facebook, quảng cáo: “Hiện tại Lãnh Sự Quán đang chuẩn bị tăng cường cho chuyến bay hồi hương vì số lượng khách từ khắp mọi nơi đều tăng trong dịp Tết. Khách đang suy nghĩ thì nên nhanh liên hệ để có chỗ về kịp ăn Tết. Hồ sơ nộp càng sớm càng tốt…”

Bài HOT:  343 công dân Việt tại Canada làm thủ tục nhập cảnh về nước

Chúng tôi liên lạc với chủ nhân trang Facebook này, hỏi: “Nghe nói sẽ không có chuyến bay nào được về Việt Nam lúc này?” Qua điện thoại, cô gái tên Bình quả quyết: “Có chứ! Nhưng phải đăng ký ở Lãnh Sự Quán, và phải có giấy phép mới mua được vé, chứ tự mình mua vé là không có đâu!”

“Giấy phép” mà cô đề cập, là “công văn nhập cảnh” được Ủy Ban Nhân Dân tỉnh/thành phố chấp thuận theo yêu cầu, hoặc Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh. Cô cũng cho biết, cô cung cấp dịch vụ “công văn nhập cảnh” không những cho người có sổ thông hành (passport) Việt Nam, mà cả người nước ngoài từ Mỹ, Úc, Canada, và Đức vào Việt Nam.

Trong khi đó, trên website của Đại Sứ Quán và các Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, cập nhật thông tin mới nhất là ngày 6 Tháng Giêng, ghi rõ: “Tính đến thời điểm này, chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục ngừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài, kể cả người có giấy miễn thị thực. Chỉ có một số rất ít trường hợp ngoại lệ như ngoại giao, công vụ, chuyên gia, lao động bậc cao, nhà đầu tư, nhân viên các dự án trọng điểm theo quyết định của chính phủ Việt Nam. Lý do đoàn tụ gia đình không được xét vào diện ngoại lệ.”

Hiện nay, trên website của Lãnh Sự Quán Việt Nam tại San Francisco, California, vẫn nhận các tờ khai “Đăng ký nguyện vọng về Việt Nam.” Từ ngày 20 Tháng Sáu, 2020, tờ khai này chỉ áp dụng đối với công dân Việt Nam hiện đang cư trú tại các tiểu bang: California, Washington, Hawaii, Oregon, Arizona, Utah, New Mexico, Colorado, Idaho, Wyoming và Alaska.

Diện ưu tiên cho các chuyến bay này là công dân Việt Nam, gồm những người: Lao động hết hạn hợp đồng, mất việc, không còn thu nhập mà sở tại không có điều kiện hỗ trợ; học sinh dưới 18 tuổi; sinh viên đã hoàn thành khóa học (tốt nghiệp) gặp khó khăn về nơi ở/gia hạn lưu trú; doanh nhân, trí thức, công dân xuất cảnh ngắn hạn bị “mắc kẹt” gặp khó khăn do không có nơi ở, không còn khả năng tài chính; và các trường hợp đặc biệt khó khăn khác.

Quy trình “Đăng ký nguyện vọng về Việt Nam” qua năm bước, có vẻ đơn giản nhưng đều “tắc” ở bước 4 (tiếp nhận thông báo), vì chỉ khi đơn được duyệt, người nộp đơn mới nhận được thông báo mà thôi.

“Cánh cửa” vào Việt Nam quá hẹp, vì chỉ dành cho các “đối tượng ưu tiên.” Xem ra, sẽ “không có cửa” cho những người mong muốn được hưởng “không khí Tết” như chị Kathy nói.