Toàn cầu ghi nhận hơn 112 triệu ca nhiễm, gần 2,5 triệu ca tử vong vì Covid-19, Thủ tướng Anh tin vaccine hiện có có thể chống biến thể nCoV.

Thế giới đã ghi nhận 112.234,381 ca nhiễm nCoV, trong đó 2.484.223 người đã chết, tăng lần lượt 302.889 và 6.941 ca, trong khi 87.722.671 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Anh, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận thêm 10.641 ca nhiễm và 178 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 4.126.150 và 120.757.

Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 22/2 cho biết ông tin tưởng các loại vaccine Covid-19 hiện có sẽ cung cấp một số biện pháp bảo vệ chống lại các biến thể của virus, thêm rằng các công ty dược phẩm đang tiến hành cập nhật các mũi tiêm của họ.

Anh đã đồng ý thỏa thuận cung cấp 50 triệu liều vaccine chống biến thể mới, với CureVac của Đức và các nhà phát triển vaccine khác, như Oxford/AstraZeneca, cũng đang tìm cách thiết kế lại vaccine của họ để chống các biến thể trong năm nay.

“Chúng tôi tự tin rằng tất cả các loại vaccine của chúng ta đều có hiệu quả trong việc giảm tử vong và ca nguy kịch, và chúng tôi không có lý do gì để nghi ngờ rằng chúng cũng có hiệu quả trong việc giảm tử vong và ca nguy kịch do các biến thể mới”, ông Johnson nói trước quốc hội. “Trong vài tháng tới, chúng tôi sẽ thấy các loại vaccine mới để đánh bại các biến thể trốn tránh vaccine”.

Phát biểu trước quốc hội, ông Johnson cũng thông báo không dỡ hạn chế đối với dịch vụ trong nhà tại các quán rượu và nhà hàng, ít nhất cho đến giữa tháng 5. Johnson trước đó dự kiến nới phong tỏa trong một nỗ lực dần mở cửa lại nền kinh tế trị giá ba nghìn tỷ USD.

Anh đã tiến nhanh hơn phần lớn phương Tây để đảm bảo nguồn cung cấp vaccine và đã nhanh chóng tiêm chủng cho người dân kể từ tháng 12, một chiến lược thúc đẩy thị trường đồng bảng Anh và chứng khoán tăng cao hơn với hy vọng kinh tế phục hồi.

Khoảng 17,6 triệu người trong tổng 67 triệu dân số của Anh đã được tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên. Chính phủ nước này đặt mục tiêu hoàn tất tiêm liều vaccine đầu tiên cho tất cả người trưởng thành vào cuối tháng 7.

bac quan nhat tieu
Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu về cuộc chiến chống Covid-19 tại Hạ viện Anh hôm 22/2. Ảnh: AFP.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 28.816.978 ca nhiễm và 512.397 ca tử vong, tăng lần lượt 49.928 và 1.180 trong 24 giờ qua.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói cột mốc hơn 500.000 người Mỹ tử vong do Covid-19 rất “đau lòng” và kêu gọi đất nước đoàn kết chống lại đại dịch.

“Tôi biết điều đó như thế nào”, Biden xúc động phát biểu trên truyền hình quốc gia, đề cập những bi kịch gia đình của chính mình. “Tôi yêu cầu tất cả người Mỹ hãy nhớ, nhớ đến những người đã mất và những người bị bỏ lại phía sau. Tôi cũng yêu cầu chúng ta hành động, giữ cảnh giác, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và tiêm phòng”.

Biden, cùng Đệ nhất phu nhân Jill, Phó tổng thống Kamala Harris và Đệ nhị phu quân Doug Emhoff, sau đó đứng bên ngoài Nhà Trắng để tưởng niệm trước 500 ngọn nến tượng trưng cho những người đã mất. Trước đó, các lá cờ đã được hạ xuống tại Nhà Trắng, các tòa nhà liên bang trên cả nước và tại các đại sứ quán Mỹ trên thế giới.

Chuyên gia dịch tễ hàng đầu nước Mỹ Anthony Fauci hôm 21/2 cảnh báo người dân có thể phải đeo khẩu trang tới năm 2022 để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm nCoV, ngay cả khi tình hình Covid-19 ở nước này có thể đạt “mức độ bình thường đáng kể” vào cuối năm nay. Tuy nhiên, Fauci cho biết thêm các biện pháp hạn chế nhằm ngăn đại dịch có thể ngày càng được nới lỏng khi có thêm nhiều loại vaccine hơn.

Mỹ báo cáo số ca nhiễm mới nCoV đã giảm 5 tuần liên tiếp, song mức giảm này chưa hẳn phản ánh đúng thực tế, vì thời tiết mùa đông khắc nghiệt đã buộc các quan chức phải đóng cửa các trạm xét nghiệm, ảnh hưởng đến việc thu thập dữ liệu quan trọng.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 10.792 ca nhiễm và 80 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì nCoV lên lần lượt 11.015.863 và 156.498.

Bang Maharashtra phía tây Ấn Độ hôm 21/2 thông báo sẽ áp đặt các hạn chế mới liên quan đến nCoV ở bốn quận do những lo ngại về làn sóng lây nhiễm lần hai và việc triển khai vaccine chậm trễ.

Bài HOT:  Sự sụp đổ của công ty thanh toán điện tử hàng đầu của Đức Wirecard AG và những hậu quả cho các công ty fintech tại Anh

Lãnh đạo y tế bang Maharashtra Uddhav Thackeray cho biết số ca nhiễm mới hàng ngày ở nước này đã tăng từ khoảng 2.000 ca lên khoảng 7.000 ca đầu tháng này. “Làn sóng lây nhiễm thứ hai đã và đang gõ cửa. Liệu nó có bùng phát hay không sẽ được xác nhận từ 8-15 ngày tới”, Thackeray nói.

Bộ Y tế Ấn Độ cũng yêu cầu Maharashtra và một số bang khác theo dõi chặt chẽ các biến thể của nCoV. Một số nhà dịch tễ học cho rằng số ca nhiễm mới tăng đột biến hiện nay có thể là do các chủng mới gây ra.

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 583 người chết, nâng tổng số ca tử vong lên 247.143. Số ca nhiễm nCoV tăng 26.986 trong 24 giờ qua, lên 10.195.160.

Chính quyền Brazil đang hứng chỉ trích vì triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 chậm chạp và hỗn loạn. Một tháng sau khi triển khai, Brazil mới tiêm cho khoảng 6,2 triệu người trong 212 triệu dân.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro kiên quyết không tiêm vaccine và bị cáo buộc “dẫn đầu chiến dịch chống tiêm chủng”, bất chấp việc quốc gia này là nơi bắt nguồn một biến chủng nCoV mới dễ lây lan hơn.

Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 4.646 ca nhiễm và 333 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.609.827 và 84.613.

Bộ Y tế cho biết số người nhập viện vì Covid-19 cũng như số bệnh nhân điều trị tại các khoa hồi sức tích cực tăng ngày thứ hai liên tiếp, với 25.831 người đang nhập viện và 3.407 người đang được chăm sóc tích cực.

Hơn 3,3 triệu người Pháp đã tiêm vaccine Covid-19. Bộ Y tế yêu cầu cơ quan y tế khu vực và các bệnh viện “kích hoạt chế độ khủng hoảng” từ ngày 18/2, để chuẩn bị cho đợt gia tăng ca nhiễm do biến chủng virus dễ lây lan hơn. Chế độ này đòi hỏi tăng số giường bệnh hiện có, trì hoãn phẫu thuật không khẩn cấp và huy động mọi nhân sự y tế.

Đức, vùng dịch lớn thứ mười thế giới, hiện ghi nhận 2.399.491 ca nhiễm và 68.772 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 4.907 và 329 trường hợp so với một ngày trước đó.

Các chuyên gia cảnh báo Đức có thể đối mặt làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần ba do các biển chủng nCoV. Bất chấp các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, số ca nhiễm mới hàng ngày ở Đức gần như không giảm trong thời gian gần đây. Chuyên gia lo ngại điều này là do xuất hiện nhiều biến chủng virus dễ lây lan hơn.

Các trường học tại 10 bang của Đức sẽ mở cửa trở lại vào ngày 22/2, làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu giáo viên và những người hoạt động trong ngành giáo dục có được ưu tiên tiêm chủng hay không. Thủ tướng Đức Angela Merkel và các quan chức liên bang trong cuộc họp gần đây đã yêu cầu Bộ Y tế kiểm tra liệu những người làm trong ngành giáo dục có thể được đưa vào danh sách ưu tiên tiêm vaccine hay không.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.288.833 ca nhiễm, tăng 10.180, trong đó 34.691 người chết, tăng 202. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định số ca nhiễm trên thực tế tại Indonesia có thể cao gấp ba lần.

Indonesia đã triển khai chương trình tiêm chủng vaccine kể từ tháng 1, song nhiều nhóm địa phương đã từ chối tiêm, làm tăng thêm thách thức với chương trình tiêm chủng của chính phủ. Một nghiên cứu mới nhất chỉ ra rằng với tốc độ tiêm vaccine hiện tại, Indonesia sẽ mất hơn 10 năm để hoàn thành kế hoạch tiêm chủng.

Nước này hôm 17/2 đã khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà thứ hai, tập trung vào những người tiếp xúc nhiều với công chúng như người buôn bán ở chợ, giáo viên, cảnh sát, công chức và người trên 60 tuổi. Giai đoạn tiêm chủng đại trà đầu tiên ở Indonesia trước đó tập trung vào nhân viên y tế.

Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 563.456 ca nhiễm và 12.094 ca tử vong, tăng lần lượt 2.288 và 6 ca.

Từ vị trí một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất châu Á trước đại dịch, Philippines phải hứng chịu đợt suy giảm kinh tế tồi tệ nhất vào năm 2020, do lệnh phong tỏa nghiêm ngặt buộc các doanh nghiệp đóng cửa và đẩy hàng triệu người vào cảnh thất nghiệp.

Tổng thống Rodrigo Duterte tuần này sẽ đưa ra quyết định về việc liệu có tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 ở thủ đô Manila, để cho phép nhiều hoạt động kinh tế hơn hay không.