Chỉ trong thời gian ngắn, có mấy chục người ở cụm dân cư hai bên đường, chỗ con dốc nhỏ thuộc làng Kim Tiến (Kim Sơn, Định Hóa, Thái Nguyên) mất mạng một cách khó hiểu. Gần như nhà nào cũng có người chết trẻ, chết bệnh, đột tử. Có một số gia đình còn chết la liệt, khiến những người còn sống hoang mang sợ hãi phải bỏ nhà đi ở chỗ khác. Có thầy cúng về làng giải hạn, trấn trạch cũng bị… mất mạng. Điều kỳ dị này khiến dân làng Kim Tiến hoang mang sợ hãi, ăn ngủ không yên.
Ngôi nhà rùng rợn ở chân quả đồi bị yểm bùa
Mới đây, nhà tâm linh Lê Thái Bình (chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiền Việt), gặp tôi bảo rằng, thời gian gần đây anh ăn ngủ không yên, toàn gặp ác mộng. Câu chuyện về ngôi làng chết chóc la liệt, với lời đồn “hồn ma địa chủ” bắt người sống lại liên tục xâm nhập tâm trí anh, khiến anh ăn ngủ không yên. Nhà tâm linh Lê Thái Bình tin rằng, linh cảm anh đã thôi thúc, nên rủ tôi về Thái Nguyên, tìm đến ngôi làng Kim Tiến, xem có chuyện gì xảy ra. Ở ngôi làng ấy, 2 năm trước, những chuyện kinh dị đã xảy đến với anh, mà một người hiểu biết, nắm bắt được thế giới tâm linh cũng phải dựng tóc gáy.
Con đường lên “thủ đô kháng chiến” ATK Định Hóa trải nhựa phẳng phiu, xe bon bon từ thành phố Thái Nguyên chừng giờ đồng hồ là đến. Ngôi làng Kim Tiến gồm những cụm nhà lẫn trong lùm cây ẩn hiện giữa một thung lũng rất đẹp. Những quả núi thấp bao quanh, tạo ra một khoảng đất bằng phẳng trù phú, bờ xôi ruộng mật. Cảnh đẹp, thế đất đẹp, nhưng có một điều đáng chú ý, là xuất hiện nhiều ngôi nhà lúp xúp, hoang tàn, thậm chí đổ nát. Những cảnh tiêu điều ấy gợi nên một không khí buồn.
Theo chân nhà tâm linh Lê Thái Bình, chúng tôi tìm đến chân quả đồi Chè. Gọi là đồi Chè, bởi xưa kia người dân trồng chè trên quả đồi thấp này. Quả đồi này nằm ngay dưới chân núi lớn, người dân sinh sống xung quanh. Thế nhưng, giờ đây, không thấy chè nữa, mà thay vào đó là bạch đàn xanh tốt um tùm. Lê Thái Bình bảo rằng, quả đồi này đã bị người xưa yểm bùa. Các cụ trong làng kể, xưa kia, người Tàu chôn kho báu trên quả đồi này, và giết một trinh nữ để yểm bùa. Vì kho báu đã bị yểm bùa, nên không phải người cao tay thì không thể lấy được. Chính vì thế, quả đồi này rất thiêng, không ai ở được. Thậm chí, có thể mất mạng nếu ở trên quả đồi đó. Nhiều người trong làng khẳng định rằng, đã nhìn thấy hũ bạc ngay dưới gốc cây mít lớn, cạnh khe nước, thế nhưng, chưa ai lấy được. Có người trong làng, như anh Chiến, khẳng định nhìn thấy hũ bạc, đã vác xẻng vào đào. Thế nhưng, bạc chẳng thấy đâu, mà ngay tối hôm đó, anh lên giường ngủ và không bao giờ dậy nữa. Bà cụ Nguyễn Thị Hiên, hiện 85 tuổi kể: “Thằng cháu nội tôi tên là Chiến rất bình thường, khỏe mạnh. Nó làm việc chăm chỉ, xây được ngôi nhà hai tầng khang trang nhất xóm. Thế nhưng, cách đây 3 năm, tự dưng cứ bảo với tôi rằng đã được báo và sẽ tìm được hũ bạc. Không chỉ nói với tôi, nó còn đi nói với cậu bạn thân hàng xóm, là sẽ tìm được bạc và sẽ chia cho bạn. Chuyện nó nói lan ra, cả làng biết, mọi người bảo nó ngớ ngẩn. Nhưng ở với nó, tôi biết nó không ngớ ngẩn. Nó hoàn toàn bình thường, tỉnh táo. Ngoài những lúc nói về hũ bạc, có vẻ khó hiểu, thì nó không sao cả. Nó còn nói rõ là thấy hũ bạc ở chỗ gốc cây mít cổ thụ chân đồi Chè, làm tôi sợ hãi. Đúng là, ngày xưa ở đó có cây mít rất to, mấy trăm năm tuổi, qua sai trĩu trịt, đủ cho cả làng ăn. Thế nhưng, cây mít chết từ trước năm 1970, nên thế hệ chúng nó không thể biết ở đó có cây mít được. Thế mà nó nói vanh vách như thế. Hôm nó vác cuốc lên đồi Chè bảo đào hũ bạc, tôi cũng chẳng qua tâm, chẳng ai để ý. Thế mà, sáng hôm sau cháu tôi ra đi. Tôi không hiểu nó bị bệnh gì lạ thế, đi ngủ rồi chết luôn. Lúc sáng, không thấy dậy, vợ vào lay, thì đã cứng đờ người rồi”.
Cái chết của anh Chiến với lời đồn đào bới hũ bạc ở đồi Chè khiến cả làng kinh hãi, bởi trước đó, quả đồi này đã được lan truyền biết bao điều kinh dị. Điều kinh dị nhất, là những cái chết tức tưởi, bàng hoàng liên tiếp xảy đến với đại gia đình sống ở ngay chân đồi Chè, chỗ khe suối và lời đồn hũ bạc.
Ngay dưới chân đồi Chè, là hai ngôi nhà, một nhà chính, một nhà ngang, hiện diện trong một không gian thoáng, ở thế tựa sơn, thoai thoải dốc, rất đẹp nếu xét về phong thủy. Thế nhưng, hai ngôi nhà đó cửa đóng then cài, không có người ở. Đây là ngôi nhà của đại gia đình anh Vũ Văn Đường. Những cái chết thảm khốc liên quan đến gia đình, khiến họ đã đóng cửa bỏ đi, dựng nhà ở chỗ khác. Theo nhà tâm linh Lê Thái Bình, rất tiếc ngôi nhà ấy lại đặt trên quả đồi đã bị yểm bùa từ nhiều trăm năm trước. Nhà tâm linh Lê Thái Bình bảo rằng, khi bước chân vào khu nhà này, một cảm giác nặng trĩu xâm chiếm cơ thể anh. Mấy người đi theo cũng bảo có cảm giác như thế. Có lẽ, là người ngoại đạo, không dễ dàng bị ám thị, nên tôi không cảm thấy gì. Khi con người bị cảm giác sợ hãi xâm chiếm, thì lập tức cơ thể sẽ thay đổi, những cảm giác đã chịu sự chi phối của suy nghĩ. Ngoài ra, nếu có cảm giác mệt mỏi, lạnh lẽo khi ở khu đất nào đó, ngoài sự ám thị, thì còn là vấn đề khoa học. Môi trường đất, tia đất, tia bức xạ từ lòng đất cũng có thể ảnh hưởng đến cảm giác của con người. Chuyện đó không có gì là thần bí cả.
Thấy chúng tôi chụp ảnh, hí hoáy đo đạc, xem xét, nhiều người trong làng tò mò tìm đến, nhưng họ chỉ đứng từ xa quan sát, không dám lại gần ngôi nhà đó. Với người dân nơi đây, ngôi nhà hoang đó vô cùng ám ảnh, bởi đó là nơi diễn ra những câu chuyện chết chóc buồn thảm.
Những cái chết đau lòng
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ xíu, nằm ngay mặt đường, cách đồi Chè chừng vài trăm mét. Gọi cửa một lát, thì cụ bà Nguyễn Thị Đính lọ mọ ra mở cửa. Ngôi nhà gỗ ván ghép tềnh toàng chẳng có thứ gì giá trị. Trong nhà chỉ có mỗi mình bà Đính. Bà bảo, có hai đứa cháu nội, nhưng đứa lớn 19 tuổi đi làm thuê ở Thái Nguyên. Một cháu nhỏ thì đi học chưa về. Hỏi chuyện gia đình, bà Đính ngước lên ban thờ nhìn di ảnh chồng, con trai, con gái, hai người con dâu, rồi cứ bật khóc nức nở, không nói được gì. Lát sau, người con gái của bà, chị Vũ Thị Dần, là chị gái của anh Vũ Văn Đường, tìm đến. Ký ức ấy khiến chị cũng hãi hùng.
Theo chị Dần, từ nhỏ, chị cũng đã được ông bà cha mẹ kể nhiều chuyện về kho báu Tàu trên đồi Chè, ngay sau nhà chị. Những câu chuyện liêu trai đó chị chỉ nghe các cụ kể thì biết vậy, chứ chẳng tin, vì chẳng có cơ sở khoa học nào cả. Thế nhưng, chuyện gia đình chị, cứ người nọ chết, người kia chết, mắc hết bệnh nọ đến tật kia, thì chị cũng thấy sợ hãi tột độ. Thế hệ các cụ chết chóc xa xưa, thời đói kém, loạn lạc chiến tranh thì không nói làm gì, nhưng đến thế hệ chị, phải chứng kiến sự ra đi lần lượt của người thân, thì chị thực sự không thể an lòng.
Cái chết đầu tiên, trước mắt chị, là bố đẻ, người thân yêu nhất. Ngày đó, cả nhà còn sống ở chân đồi Chè. Đó là năm 1979, là một cái tết đầy đau buồn. Bố chị rất khỏe, chẳng ốm đau bao giờ. Nhà khá giả, nuôi được nhiều lợn, nên ông bắt con to nhất làm thịt, để cả nhà ăn tết. Mổ lợn, chia cho con cái, gói ghém bánh chưng xong, thì tự dưng ông thấy mình cứ yếu đi, kêu ốm. Đúng ngày tết, con cái đưa ông đi bệnh viện. Thế nhưng, Bệnh viện Thái Nguyên khám mãi chẳng ra bệnh gì, lại trả về. Về nhà, bố chị càng mệt thêm. Mọi người sốt ruột lại đưa xuống Hà Nội. Thế nhưng, các bác sĩ ở Hà Nội cũng chẳng tìm ra bệnh gì. Gia đình lại đưa về nhà. Về được vài hôm thì ông qua đời. Lúc ông qua đời, tròn 42 tuổi. Đến nay, chị Dần cũng không biết bố mất vì bệnh gì. Bà Đính cũng chẳng rõ chồng mình chết vì sao.
Bố chết năm trước, thì năm sau tai họa tiếp theo xảy đến với đại gia đình chị Dần, là cái chết thảm thương, tức tưởi của cô em gái Vũ Thị Nhẫn. Đó là năm 1980, Nhẫn đang học lớp 6, mới 13 tuổi. Thời điểm đó là mùa hè, khi Nhẫn đi học về, con chó vẫn chạy ra ngõ vẫy đuôi đón chủ bỗng có biểu hiện lạ, mắt long sòng sọc, tiếng sủa rất ghê rợn. Nó chạy loanh quanh trong vườn, cắn xé mọi thứ. Cô bé Nhẫn thấy con chó có biểu hiện lạ, thì đuổi theo đòi bế, an ủi chó. Ai ngờ, vừa đến gần, con chó xông vào cắn một nhát vào tay. Cắn Nhẫn xong, con chó bỏ chạy mất hút, không thấy quay lại nữa. Ngày đó, chó cắn là chuyện bình thường, chẳng ai tiêm phòng cả. Thế nhưng, thật đen đủi cho đại gia đình bà Đính, là con chó đó lên cơn dại. Cú đớp của nó, dù chỉ làm xước nhẹ da tay của Nhẫn, cũng đã cướp mạng cô gái.
Trong đại gia đình bà Đính, chỉ có anh Vũ Văn Đường, sinh năm 1962 là vất vả nhất, không được học hành nhiều, nên ở nhà làm nông nghiệp. Người con cả của ông bà làm bác sĩ, là lãnh đạo bệnh viện tỉnh. Anh Đường được ông bà để lại cho mảnh đất rộng, ngay chân đồi Chè, rồi vợ chồng dựng nhà sinh sống. Anh lấy vợ, là chị Hứa Thị Tông. Chị Tông cũng là bác sĩ sản của Bệnh viện huyện Định Hóa. Cuộc sống vợ chồng anh Đường lẽ ra không đến nỗi nào, nếu không nói là rất ổn định. Thế nhưng, tai họa lại liên tiếp đổ lên đầu đại gia đình anh, thảm khốc đến nỗi không tưởng tượng nổi.
Năm 2004, vợ anh Đường bỗng kêu đau bụng. Là bác sĩ, nên vừa có dấu hiệu khác lạ, chị đã đi khám ngay. Ở bệnh viện tỉnh, anh chồng là lãnh đạo, nên chị được khám chữa chu đáo. Tin sốc đã đến với gia đình, là chị Tông đã bị ung thư. Khối u đã hình thành ở trong ruột. Người anh chồng đã tiến hành mổ gấp, cắt một đoạn ruột, để loại bỏ khối u. Theo lẽ thường, nếu phát hiện sớm, thì chỉ cần mổ, loại bỏ khối u, sau đó hóa trị và xạ trị sẽ qua khỏi. Thế nhưng, điều đau buồn, là chị Tông đã qua đời sau khi phẫu thuật, gây bàng hoàng, tang tóc cho đại gia đình.
Một mình anh Đường làm lụng, nuôi con và đôn đáo ngược xuôi tìm thầy, những mong có thầy cao tay giải giúp cái hạn mất người kinh hãi này. Rất nhiều thầy cúng tìm đến, cúng bái ngày đêm, trấn yểm khắp nơi và đều khẳng định đã giải xong cái hạn mất người rất lớn. Sau mấy năm ở vậy, tin rằng mảnh đất và cái sự “ma ám” bám riết lấy gia đình anh đã qua, nên anh đi bước nữa với chị Nguyễn Thị V. Chị V. lúc đó đã đứng tuổi, là giáo viên mầm non, người cùng xã Kim Sơn, nhưng ở làng cạnh. Chị V. tuy lấy chồng muộn, nhưng chị có vóc dáng đẹp, là thôn nữ dịu dàng, đằm thắm.
Cưới nhau xong, sống ở nhà chồng, chị V. cứ có cảm giác bất an. Đêm ngủ cứ chập chờn, không được ngon giấc, như thể có ai đó dựng dậy. Sống ở nhà chồng thời gian, chị cảm thấy người mệt mỏi, cơ thể như đi mượn của người khác. Nghe hàng xóm nói nhiều về chuyện mảnh đất linh thiêng, bị người Tàu yểm, chị V. đi xem bói. Vừa gặp thầy bói, nhìn chị, ông này đã trợn mắt kinh hãi xua tay từ chối giúp. Ông ta bảo: “Tôi không có cách nào cứu được gia đình đâu. Tôi mà giúp thì tôi cũng chết. “Nó” sẽ tiếp tục bắt người sống, sẽ còn có người chết”. Nghe ông thầy bói nói vậy, chị V. vái sống, nhưng ông ta vẫn không nhận giúp. Chị khóc lóc rồi bỏ về, nghĩ trước sau cái hạn cũng sẽ xảy đến với mình. Chị V. mặc kệ mọi chuyện. Chị tin vào số phận và chị chấp nhận.
Thế nhưng, điều kinh khủng và khiến chị đau lòng, là người chồng tốt bụng, hết mực thương yêu vợ con lại bị “bắt” trước. Chị Vũ Thị Dần nhớ lại: “Hồi đó là năm 2010, khi tôi về thăm quê, qua nhà Đường, thấy kêu mệt, da mặt thì vàng vọt, người gầy rộc đi. Tôi giục Đường đi kiểm tra, khám xét xem thế nào. Đường nghe tôi xuống bệnh viện tỉnh. Về nhà, thấy vẻ mặt buồn rầu, tôi hỏi thì bảo là bị dương tính với bệnh gan. Tôi không rõ là dương tính gì, nhưng chắc là viêm gan do virus gì đó. Những bệnh viêm gan B, C thì ở trên này nhiều người mắc. Những bệnh đó cũng đơn giản, chứ đâu có kinh khủng gì. Nhiều bài thuốc của người dân tộc trong vùng chữa viên gan rất tốt. Thế nhưng, kỳ lạ thay, thuốc gì uống cũng chẳng ăn thua. Đường cứ suy kiệt từng ngày, nhìn thương tâm lắm. Gia đình đã chạy chữa đủ kiểu, ở đâu mách có ông lang giỏi, có bài thuốc tốt đều tìm đến, nhưng không có tác dụng gì. Ở làng này, không chỉ nhà tôi, hễ ai mắc bệnh thì dù nặng nhẹ, chỉ có chết. Bị bệnh, tức là đã bị “nó” tìm cách bắt đi rồi. Gia đình cũng cúng bái, trừ tà, trục quỷ nhiều lắm, nhưng Đường vẫn chết”.
Anh Vũ Văn Đường qua đời, để lại người vợ và hai đứa con, một đứa con với người vợ trước và đứa con chung với chị V., mới chập chững biết đi. Cái chết của anh Đường khiến đại gia đình sốc nặng, chị V. như muốn quỵ luôn. Đại gia đình đều tin vào câu chuyện rùng rợn về quả đồi bị yểm bùa. Oan hồn trinh nữ, hay một thứ vô hình nào đó nhất quyết “bắt” cả gia đình đi theo. Chỉ còn biết nương dựa vào niềm tin, nên gia đình lại mời thầy cúng. Lần này, đích thân chị Vũ Thị Dần ra tay, vì không còn ai cáng đáng được việc này nữa. Bà mẹ thì đã già, chị V. thì không còn tâm trí, sức lực nữa. Theo chỉ dẫn, giới thiệu, chị Dần mời 5 ông thầy cúng, thầy pháp, thầy bùa giỏi nhất của huyện Đại Từ đến giải hạn giúp gia đình. Các thầy pháp đến mảnh đất đều tỏ vẻ sợ hãi, nhưng quyết tâm giúp gia đình giải được mối đại nạn. Một ông thầy thì bảo gia đình mắc phải nghiệp chướng chết theo dây, nên nếu không chặt đứt được cái dây này, thì sẽ chết cả nhà. Một thầy pháp cứ đi loanh quanh trong nhà, rồi bảo xưa kia ở làng có cái đình, không có ai tu sửa, nên phá cả đi, người lấy cột, người lấy đá, rồi thì đốn hạ những cây thông trồng trước đình. Chị Dần cũng công nhận là thời chị chưa đẻ, theo bố mẹ kể lại, thì hợp tác xã có chặt 17 cây thông ở ngôi đình làng hiện ở vị trí giữa cánh đồng. Hợp tác xã chia cho mỗi gia đình một đoạn gỗ để đóng đồ. Bố chị đã dùng khúc gỗ thông đó đóng cái chạn bát. Nghe kể vậy, mấy ông thầy pháp kêu than rằng, như thế thì chết cả nhà. Dân làng Kim Tiến nghe mấy ông thầy pháp nói vậy thì sợ hãi lắm, họ về nhà xem có thứ gì lấy của đình, từ mẩu gỗ, đến chân tảng, đem trả hết. Gia đình cũng định mang chạn đi trả, nhưng mấy ông thầy pháp ngăn lại, vì không có ý nghĩa gì cả. Hiện cái chạn bát vẫn để ở trong nhà, không ai dám động vào.
Bữa ấy, cờ phướn rợp sân, giăng kín trong nhà. 5 ông thầy cúng theo 5 bài khác nhau, hy vọng may mắn sẽ có một bài cúng trùng với loại quỷ đó, để trục khỏi mảnh đất. Cúng vội cúng vàng, rồi 5 ông thầy kia cuốn gói đi mất, không lấy công xá, lộc lá gì cả. Thấy các thầy pháp cũng sợ, nên đại gia đình thống nhất không ở mảnh đất này nữa, đóng cửa luôn ngôi nhà.
Đại gia đình xúm vào, dựng ngôi nhà nhỏ, ghép ván gỗ ra mặt đường, cách đồi Chè vài trăm mét, để chị V. và hai cháu nhỏ ở. Lúc họ ở túp lều đó, lúc về nhà chị Dần tá túc, chứ nhất định không về ngôi nhà chân đồi Chè. Thế nhưng, nghiệp chướng không tha đại gia đình này. Đúng 1 năm sau ngày anh Đường qua đời, tin dữ đến với gia đình, khi bệnh viện thông báo chị V. bị ung thư vú. Tài sản trong nhà ra đi sạch sẽ, nhưng chị V. vẫn qua đời trong túp lều nhỏ, trong nước mắt xót thương của người thân, dân làng. Giờ đây, trên ban thờ gá trên bức vách căn nhà nhỏ, có di ảnh của anh Đường và hai người vợ hai bên. Bà cụ Đính ngày ngày hương khói cho chồng, con gái và con trai, cùng hai con dâu. Bà cầu trời khấn Phật cho đại gia đình tai qua nạn khỏi. Mấy năm qua, gia đình mới được bình yên.
“Oan hồn địa chủ” và ngôi đình bị đốt
Nhà tâm linh Lê Thái Bình (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiền Việt, thuộc Viện nghiên cứu tiềm năng con người) đã mất nhiều thời gian tìm hiểu về địa thế, cũng như những câu chuyện liên quan đến thế giới tâm linh ở vùng đất này. Qua tìm hiểu từ các cụ già, Lê Thái Bình được biết đến một câu chuyện, về một cái chết oan ức của địa chủ giàu có cách nay mấy trăm năm. Theo đó, ngày xưa, ở vùng đất này, có một địa chủ rất giàu, quyền lực rất lớn. Ông ta có những tòa ngang dãy dọc bằng gỗ, với nhiều vợ, nhiều con, nhiều kẻ hầu người hạ. Trong một chuyến đi xa, trở về, ông thấy toàn bộ làng xã, gia sản của ông tiêu điều, chỉ còn là đống tro tàn. Một nhóm giặc Tàu tràn sang cướp bóc, hãm hiếp vợ con, rồi giết cả nhà địa chủ nọ. Trong chớp mắt trắng tay, địa chủ nọ khóc rống, rồi lăn ra chết. Cái chết quá oan ức khiến ông ta không siêu thoát được, vong hồn cứ luẩn quẩn ở quanh làng hãm hại hết người nọ đến người kia.
Chẳng biết địa chủ nọ có liên quan gì đến ngôi đình lớn ở giữa cánh đồng hay không, nhưng một số lời đồn cho rằng, để làng xã bình yên, các cụ đã dựng ngôi đình lớn, ở đúng long mạch, trên một gò đất giữa cánh đồng. Cánh đồng ấy được bao quanh bởi một dãy núi rất đẹp. Các cụ dựng đình nhằm trấn yểm để làng được bình yên. Hồi nhà tâm linh Lê Thái Bình đến làng Kim Tiến, chưa ai kể gì, anh đã biết trong làng có một ngôi đình rất lớn, nhưng đã bị phá. Anh tiết lộ rằng, các cụ xưa kia dựng đình, thường đi tìm long mạch. Những người hiểu biết về tâm linh, địa lý, có thể dễ dàng tìm được long mạch, hoặc nhìn núi sông là biết ngay, bởi nó có một công thức chung. Tất cả những làng có long mạch đẹp, thì đều đã được dựng đình từ xa xưa. Phán đoán của Lê Thái Bình không phải là mê tín dị đoan, mà dựa vào văn hóa tâm linh của người Việt. Ngôi làng Kim Tiến có long mạch lớn chạy qua, nhưng anh hỏi mấy người thì chẳng ai biết có một ngôi đình cả. Mãi sau, hỏi đến các cụ già mới biết đúng là có ngôi đình, nhưng đã bị phá từ năm 1940.
Theo chân nhà tâm linh Lê Thái Bình, chúng tôi tìm ra mô đất giữa cánh đồng. Không có ngôi đình nào cả. Chỉ có những bụi tre và vài ngôi mộ nhấp nhô. Chúng tôi vạch những bụi cỏ, thì những chân tảng đá rất lớn hiện ra. Những cột gỗ, những đồ gia dụng bằng gỗ chất thành đống, mục nát, cỏ mọc bao phủ, nửa chìm nửa nổi dưới lòng đất. Rải rác trên gò đất là những gốc cây đen sì. Dấu tích một công trình lớn còn đó, nhưng đã lặn sâu vào lòng đất và ký ức người dân xung quanh.
Những gia đình bị “ám”
Chúng tôi đang lúi húi trên gò đất, nơi từng là ngôi đình xưa, thì có mấy người dân, trông dáng vẻ khắc khổ tìm đến. Vợ chồng ông Hoàng, bà Lý, da đen thẫm, dáng quắt queo, cứ rón rén đến gần, nhìn chúng tôi với ánh mắt tò mò, có vẻ mang theo nhiều câu hỏi. Nhắc đến ngôi đình, vợ chồng ông bà rất quan tâm. Theo ông Hoàng, ông nội ông vốn là người trông coi ngôi đình. Ông nội ông được dân làng chia cho mảnh đất ở cạnh. Theo lời kể của các cụ, thì ngôi đình xưa rất lớn, bằng gỗ, rộng tới 5 gian. Vùng đất này là thủ đô kháng chiến, nên ngôi đình cũng là chỗ các cán bộ Việt Minh tụ họp. Biết được điều đó, thực dân Pháp đã nã pháo vào đình và đốt trụi luôn. Sau này, người dân có dựng lại một ngôi đình nhỏ, nhưng chẳng ai trông nom, nên lụi tàn, rồi đổ sập lúc nào chẳng hay. Đến năm 1959, hợp tác xã cưa đổ 17 cây thông lớn ở gò đất mọc quanh ngôi đình, chia cho mỗi nhà một đoạn để đóng đồ.
Điều kỳ dị, không hiểu có vô tình hay không ,nhưng sau khi ngôi đình bị đốt, rồi cưa đổ những cây thông, thì cuộc sống người dân trong làng Kim Tiến đảo lộn cả. Rất nhiều người chết bệnh tật, không rõ nguyên nhân. Sợ hãi quá, người dân bê hết đá tảng, đồ gỗ ra gò đất này vứt. Nhiều gia đình đặt mộ ở gò đất, cũng gặp chuyện chẳng lành, nên di chuyển đi. Một người phụ nữ chỉ những ngôi nhà cách gò đất không xa và ai cũng thấy rằng, những ngôi nhà ấy đều có người ở, nhưng chẳng khác gì nhà hoang. Gần như không có ngôi nhà nào ra hồn cả. Ông Hoàng bảo, nhà ông, bản thân vợ chồng ông nay ốm mai đau, cứ dặt dẹo cả đời, chẳng có sức sống gì cả. Con cái của ông cũng không ai ra hồn, cứ còi cọc, bé tí, không lớn lên được. Người ngợm cứ lờ đờ như say rượu.
Nhà ông K. ở gần ngôi đình, cũng gặp toàn chuyện chẳng lành. Vợ chồng ông K. có mấy người con, thì chết rải rác cả. Có người con bỏ quê vào Nam sinh sống, kinh tế có vẻ khá giả hơn. Thế nhưng, đang dựng nhà thì cây gỗ nhọn từ mái lao xuống xuyên vào chết tại chỗ.
Chuyện kinh dị nhất xảy đến với nhà ông Y., làm nhà ở phía bắc gò đất. Khu đất này hiện là đất hoang, chẳng có ai quản lý, nên ai thích làm gì thì làm. Ông Y. không sợ ma, sợ quỷ, nên dựng nhà ở đó sống. Làm nhà xong, thì làm thêm cái nhà vệ sinh ở trên đồi. Điều đáng sợ là làm xong nhà vệ sinh, chẳng hiểu có chuyện gì xảy ra, mà ông tìm dây thừng buộc lên xà nhà, thả thòng lọng xuống rồi ghé đầu vào. Thế nhưng, may mắn cho ông, đang làm cái việc như ma xui quỷ khiến, thì ông hàng xóm vào chơi, phát hiện cứu sống. Phải mãi sau ông Y. mới tỉnh táo lại, và không hiểu sao mình lại hành động quái đản, tự tìm cách tước đi mạng sống của mình như thế. Thế nhưng, hôm sau, ông này vác dao đi kiếm một đoạn cây bằng chiếc điếu cày, rồi cứ thế cầm đoạn cây đập vào chân mình. Khi mọi người phát hiện thì ông đã đập gãy một ống chân. Gia đình sợ hãi quá, phá nhà vệ sinh đi, thì ông Y. trở lại bình thường. Sau vụ đó, không ai dám động vào gò đất vốn có ngôi đình từ xa xưa.
Cũng theo lời kể của người dân nơi đây, thì ở gò đất từng có ngôi đình này, khoảng 20 năm trở về trước, là nơi trú ngụ của một con rắn khổng lồ. Con rắn đó thân to bằng cái phích, dài khoảng 7m. Điều đặc biệt là con rắn có màu trắng, với cái mào đỏ trên đầu. Không chỉ thường xuyên nhìn thấy rắn, mà người dân còn thấy nhiều vết rắn bò, to đúng bằng cái phích trên mặt ruộng. Nhưng điều đặc biệt, là mỗi khi nó bò xuống ao, hoặc bụi rậm, thì mất tích luôn, dù có đuổi theo, hay xục xạo tìm kiếm cũng không thấy nữa. Về sau, người dân lấp mấy cái ao trước khu đất, thì con rắn cũng mất luôn, chưa từng xuất hiện lần nữa. Có người đi xem bói, hỏi đến con rắn, thầy bói phán rằng, đó là vị thần, có thầy lại bảo là oan hồn địa chủ.
Gia đình nhiều người chết bí ẩn và “oan hồn địa chủ nhập vong”
Những câu chuyện phá đình, chùa, miếu mạo, rồi gán ghép với vận đen thì làng quê nào cũng có. Tuy nhiên, chuyện ở làng Kim Tiến thì quả thực gây sợ hãi và hoang mang cho người dân tột độ. Theo anh Nguyễn Thiên Sóng, cư dân làng Kim Tiến, những chuyện mê tín dị đoan anh vốn chẳng tin, nhưng khi nó xảy đến với gia đình anh, với cả làng, thì anh thực sự hoang mang, không biết giải thích thế nào.
Theo anh Sóng, qua thống kê của anh, thì chẳng nhà nào ở cái xóm nhỏ này không có người chết trẻ, chết bệnh, chết tai nạn, hoặc đột tử, không rõ nguyên nhân. Rất nhiều gia đình chết đôi, kiểu như vợ chết năm trước, chồng chết năm sau, như ông Đ. chết xong, đúng một tháng sau vợ ông, bà X. cũng chết, không rõ nguyên do. Rồi thì ông P. chỉ ốm vớ vẩn, bỗng dưng cũng lăn ra chết. Giỗ đầu ông, người cháu nội sống cùng ông từ nhỏ, được ông nuôi dưỡng, cũng tự dưng chết chẳng rõ bệnh gì… Chỉ tính từ đầu năm đến nay, riêng khóm dân cư đoạn Dốc Đỏ đã có 10 người qua đời, trong đó có 5 vụ chết đường chết chợ. Có vụ chết tai nạn giao thông, có vụ uống rượu chết giữa đường, có vụ ngủ bờ ngủ bụi rồi chết luôn tại chỗ. Theo thống kê sơ bộ của anh Sóng, từ năm 2011 đến nay, trong làng có khoảng 30 người chết, chủ yếu là chết trẻ, chết không rõ nguyên nhân. Trong làng, chẳng tháng nào không có tiếng kèn trống ỉ ôi, tiếng khóc than buồn thảm.
Kể chuyện làng xóm chết chóc buồn thảm, nhưng bản thân đại gia đình anh Nguyễn Văn Sóng, cũng đã có bao năm chìm trong đau khổ, bởi liên tiếp có người thân mất mạng. Ở làng Kim Tiến, gia đình anh kinh tế không đến nỗi, nhưng chuyện chết chóc thì cứ xảy đến như cơm bữa, liên tiếp trong mấy năm ròng, khiến anh không sao xoay kịp.
Anh Nguyễn Văn Sóng sinh năm 1959, là nông dân, nhưng có vóc dáng và cách trò chuyện khá lãng tử. Anh bảo rằng, khắp nhà anh, từ gốc cây, đến hòn đá đều đã được yểm bùa. Đã có mấy chục thầy cúng, thầy pháp về nhà anh để yểm bùa, trấn trạch, nên mới tạm bình yên được đến giờ. Ngày trước, đời các cụ thì không nói làm gì, nhưng chỉ trong mấy năm, từ 2008 đến 2011, mà gia đình anh liên tiếp mất mấy người thân, thì quả thực là kinh khủng.
Người đầu tiên bị “nó” cướp mạng, là mẹ đẻ anh. Người dân ở làng Kim Tiến thường dùng từ “nó”, để nói đến một thế lực vô hình. Người thì bảo “nó” chính là oan hồn địa chủ chết oan khuất nên không siêu thoát được, cứ lởn vởn ở làng bắt người, người thì bảo “nó” là trinh nữ trông giữ kho báu của Tàu. Trinh nữ ấy chết quá trẻ, cái chết đầy ẩn ức, nên cũng không thể về được thế giới bên kia, cứ luẩn quẩn ở dương gian để hại người.
Quay lại chuyện mẹ đẻ anh Sóng, là bà Đình Thị Gái. Bà Gái vốn họ Nguyễn, tên đầy đủ là Nguyễn Đình Thị Gái, nhưng sau khi sửa giấy tờ, cán bộ làm rơi mất chữ Nguyễn, thành ra bà mang họ Đình. Bà Gái khi đó dù đã 80 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, và sống với anh. Năm 2008, bà chẳng ăn uống gì khác lạ, nhưng tự dưng kêu đau bụng. Gia đình có điều kiện, anh em làm quan chức nhiều, nên đưa thẳng bà xuống Hà Nội để khám chữa. Ở đất này, nếu ai đó mắc bệnh, thì họ rất sợ hãi, nên đều cố gắng tìm bệnh viện tốt nhất, hoặc sử dụng cả “đông tây y kết hợp cúng bái” để vừa tìm cách trị bệnh, vừa được yên lòng. Sau khi khám bệnh, bác sĩ nghi bà bị nhiễm độc đường tiêu hóa, nên tiến hành rửa ruột. Trong các thủ thuật, thì rửa ruột khá đơn giản, thế nhưng, khi rửa ruột, bà Gái đã qua đời vì… đứt ruột.
Chuyện bà Gái qua đời, tuy cũng khiến gia đình suy nghĩ, nhưng bà đã già, nên mọi chuyện cũng qua nhanh, ít bàn tán hơn. Nhưng, năm 2011 thì thảm kịch liên tiếp xảy đến với gia đình anh, khiến cả xóm sợ hãi. Đầu tiên là cái chết xảy đến với anh Nguyễn Mạnh H., là anh trai của anh Sóng. Anh H. sinh năm 1956, hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường, nhà ở cạnh nhà anh Sóng. Hôm đó, anh sang xã cạnh, một người hàng xóm đã nhờ lấy thuốc đông y hộ. Mang thuốc về, người hàng xóm cám ơn và mời cơm luôn. Anh H. chỉ uống mấy chén rượu, rồi từ chối, đòi về ăn cơm với vợ con. Thế nhưng, vừa về đến nhà, anh H. ngã quỵ và qua đời luôn, không cứu nổi. Anh H. đột tử, trong ngành y thì chuyện đó quá bình thường, nhưng với người dân làng Kim Tiến thì thực sự kinh hãi, bởi đã có quá nhiều người đột tử. Họ tin rằng, anh H. đã bị “nó” bắt đi.
Anh H. qua đời được hơn tháng, thì người tiếp theo trong nhà ra đi, là bà thím của anh Sóng, ở ngay sau nhà anh. Bà thím năm đó đã 71 tuổi. Bà có nước da vàng vọt, ăn uống không ngon miệng. Đi khám bệnh, bác sĩ bảo bị xơ gan. Ở đây, cứ có bệnh là sợ hãi. Ngoài uống thuốc, bà thím của anh Sóng còn tích cực cúng bái, mời thầy tứ phương về giải hạn. Thế nhưng, chỉ vài tháng sau thì bà qua đời.
Anh H. qua đời đột ngột vào tháng 5, sau đó là bà thím, thì đến tháng 9/2011, tức là sau đó 4 tháng, đại họa tiếp theo xảy đến với anh Nguyễn Thiên S., là em ruột của anh Sóng. Anh S. sinh năm 1969. Anh S. cũng ham rượu và đi khám bệnh bác sĩ bảo bị viêm gan. Nhiều người ở làng cũng bị viêm gan và chết vì bệnh này. Anh S. cũng tích cực chữa trị, nhưng rồi, anh S. vẫn qua đời vì căn bệnh gan. Hồi tháng 8, đi khám bệnh, bác sĩ bảo bị viêm gan dẫn đến teo gan. Tháng sau, thì anh đột ngột qua đời tại nhà.
Những cái chết đột ngột diễn ra đã khiến đại gia đình kinh sợ rồi, nhưng một hiện tượng đã khiến đại gia đình náo loạn, đó là thời điểm đó, bất kể ngày đêm, thì thoảng bát hương của những người thân trong gia đình anh Sóng lại phát ra tiếng kêu lạ, cứ lọc cọc, khiến mọi người dựng cả tóc gáy.
Quá sợ hãi, ngoài việc theo dõi chặt chẽ bệnh tật những người thân, nhằm cứu chữa kịp thời, thì mọi người tìm đến biện pháp tâm linh nhằm ổn định tinh thần. Rất nhiều thầy cúng, pháp sư ở khắp mọi nơi được mời đến tìm cách hóa giải vận hạn cho gia đình. Theo lời anh Sóng, gia đình đã mời mấy thầy đến, nhưng đến nhà anh, họ đều từ chối, bỏ đi. Sợ hãi nhất là chuyện một ông thầy người Thái Bình sau khi cúng bái, yểm bùa, đã chết bất đắc kỳ tử vào ngày hôm sau ở quê nhà.
Năm 2012, người thân của anh Sóng công tác ở Hà Nội đã mời thầy Giang, một pháp sư nổi tiếng ở thủ đô. Pháp sư Giang có mặt ở nhà anh Sóng từ rất sớm, đi một vòng quanh làng, quanh khu đất, sửa soạn đồ tế lễ khá linh đình. Hồi đó là dịp đầu năm 2012. Mâm lễ bày ở sân, họ hàng nhà anh Sóng tụ tập rất đông. Lễ cúng đang diễn ra, thì chuyện kinh hoàng xảy đến, chị dâu anh Sóng, tức vợ anh H., người qua đời năm trước, bỗng dưng như biến thành người khác, mắt long sòng sọc, chỉ mặt thầy Giang chửi bới. Theo anh Sóng, chị này bị “vong địa chủ” nhập vào. Sau khi kể lể chuyện cả nhà chết chóc oan uổng, dọa bắt cả làng, thì chị dâu anh Sóng xông vào đấm đá, cào cấu thầy Giang. Bình thường, chị dâu anh Sóng chân yếu tay mềm, nhưng lúc đó cực kỳ hung dữ, phải 5 thanh niên to khỏe mới giữ nổi. Nhìn ánh mắt vằn đỏ, gân xanh nổi khắp cổ, mặt, mà ai cũng hãi hùng. Thầy pháp Giang sợ quá, bỏ về Hà Nội.
Theo lời nhà tâm linh Lê Thái Bình, mấy hôm sau, thầy pháp Giang mời anh Bình lên Thái Nguyên giúp một việc quan trọng. Chưa biết chuyện gì, nhưng có dự cảm quan trọng, nên anh Bình đi theo. Lên đến nhà anh Sóng, thầy pháp Giang mới nói rõ sự việc. Sợ anh Bình không dám đi, nên thầy pháp Giang giấu nhẹm mọi chuyện. Sự việc tiếp tục diễn ra với anh Bình như với thầy pháp Giang. “Vong địa chủ” nhập vào hết người nọ đến người kia, đòi đánh, đòi giết thầy cúng. Thậm chí, “vong” còn “nhập” vào một nữ đệ tử của anh Bình, khiến chị này không thở được, cứ tự bóp cổ mình. Phải mất một ngày, dùng đủ các biện pháp tâm linh, “vong địa chủ” mới chịu “đi”. Nhà tâm linh Lê Thái Bình đã trấn yểm tại rất nhiều nơi quanh nhà anh Sóng. Trấn yểm xong, anh Bình bảo rằng: “Nó sẽ bắt người nữa, thì rồi mới yên được”. Theo lời anh Sóng, vài tháng sau, chú ruột của anh, là ông Nguyễn Thiên Q., 70 tuổi, sống ở ngay sau nhà anh đột tử. Ông Q. hoàn toàn khỏe mạnh, minh mẫn, thế nhưng, buổi sáng không thấy ông dậy, mọi người vào giường gọi, thì ông đã lạnh ngắt từ bao giờ.
Cũng theo lời anh Sóng, từ khi nhà tâm linh Lê Thái Bình lên trấn yểm, thì khóm dân cư nơi đại gia đình anh ở không còn chết chóc kỳ lạ, chết trẻ nữa. Thế nhưng, ở khóm dân cư bên cạnh, cách khu nhà anh vài trăm mét lại chết liên tục. Từ năm 2011 đến nay, chết rải rác mấy chục mạng người.